THƯỜNG TRỰC BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH

Võ Nguyên Giáp vị tướng của nhân dân

Lượt xem: 5214

Võ Nguyên Giáp vị tướng của nhân dân

(LV) - Trong lịch sử của nhân loại, có những nhân vật đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Cùng với Bác Hồ kính yêu, người học trò xuất sắc của Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người như thế.

 

Với trái tim nồng nàn yêu nước và thương dân sâu sắc, thời tuổi trẻ Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định lịch sử - thôi nghề dạy học để đi làm cách mạng. Tháng 6 năm 1940, Võ Nguyên Giáp được gặp Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh, Trung Quốc. Từ đó Võ Nguyên Giáp trở thành người học trò, đồng chí của Nguyễn Ái Quốc, suốt cuộc đời phụng sự sự nghiệp của nhân dân. Trong lần gặp gỡ ấy Nguyễn Ái Quốc đã cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng đi học ở trường Quân chính kháng Nhật.

 Sau này Đại tướng nhớ lại: “Một bữa Bác bảo anh Đồng và tôi: Các đồng chí sẽ đi Diên An. Lên trên ấy, vào trường Quân chính kháng Nhật học tập chính trị, cố gắng học thêm quân sự. Mấy lần gặp sau, trước khi chúng tôi đi, Bác vẫn dặn đi dặn lại tôi “Cố gắng học thêm quân sự”. Tuy nhiên, trên đường đi Diên An thì được tin Pháp đã đầu hàng, Nguyễn Ái Quốc đã điện hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp quay lại, chuẩn bị về nước đón thời cơ cách mạng.

 Ngày 27/5/1948, tại buổi lễ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, trước bàn thờ Tổ quốc Bác Hồ rất xúc động nói: “Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa lòng những người đã mất.”. Trao cho Đại tướng Sắc lệnh, Bác nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sỹ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”.

Với thiên tài quân sự bẩm sinh và cố gắng thực hiện lời Bác Hồ căn dặn, Võ Nguyên Giáp đã trở thành nhà quân sự lỗi lạc. Tháng 12/1944, Bác Hồ giao cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Và người thanh niên 33 tuổi ấy đã trở thành người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chúng ta còn nhớ, tháng 12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, tư lệnh mặt trận, làm Bí thư Đảng ủy. Trước khi Đại tướng Tổng tư lệnh đi chiến dịch, Bác Hồ nói: “Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại? Đại tướng trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị! Bác nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền, quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay Bác chỉ thị: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”.

Với trách nhiệm của người cầm quân trước trận đánh lớn, Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định mà sau này Đại tướng cho rằng đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Quyết định đó đưa ra ngay trước giờ nổ súng - thay đổi cách đánh từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc tiến chắc”. Rồi sau này, mùa xuân năm 1975, Đại tướng đã gửi đi một mệnh lệnh đi vào lịch sử dân tộc: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sỹ”. Đại tướng ký dưới mệnh lệnh lịch sử này bí danh thân mật “Văn”.

Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Điều chúng ta tự hào hơn nữa là tên tuổi của Người đã đi vào trái tim của nhân dân Việt Nam bởi những phẩm chất cao quý trong bản lĩnh văn hóa của vị tướng huyền thoại. Võ công của Đại tướng đã đem lại sự kính phục cho mọi người. Nhưng văn đức của Đại tướng cũng đã đi vào tâm khảm của nhân dân như một ấn tượng không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh của Đại tướng rất thiêng liêng, đã gắn liền với tình cảm yêu thương con người.

Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, văn hóa Hồ Chí Minh nói chung, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh nói riêng luôn là biểu tượng để noi theo. Vì vậy Đại tướng rất quý trọng những con người đã có công với đất nước, dù đó là thành phần nào.

Nhiều năm sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, hơn ai hết, Đại tướng hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhớ lại ấn tượng sâu sắc lần đầu tiên gặp Bác Hồ, Đại tướng viết: “Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có những cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Tôi không nhận thấy ở Bác có gì là đặc biệt, là khác thường cả… Cho mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, tôi vẫn giữ lại nguyên vẹn cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ. Ở Bác, trước sau vẫn là vẻ giản dị và trong sáng ấy. Tôi nghĩ, con người vĩ đại thường là con người lúc nào cũng giản dị…”.

Những điều Đại tướng nói về Bác Hồ chính là những điều ngày nay nhân dân ta nhớ về Đại tướng. Đúng như hai câu đối của G.S. Vũ Khiêu đã tặng Đại tướng nhân dịp Đại tướng 80 tuổi: “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm”. 

(nguồn http://langvietonline.vn)

Tin tức liên quan


Viện Khoa Học Phát Triển Nhân Lực Kinh Tế và Văn Hóa

Địa chỉ: Tòa Nhà Số 44 - 46 Ngõ 897 Giải Phóng - Hoàng Mai - Hà Nội

Điện thoại: 043.8644640/ 043.8647276/ 046.6519777

Fax: 043.8645231

Hotline: 0982.602.692 / 0979.046.308

NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT

Hàng Việt tốt

Máy lọc nước Mokin

Ghế sofa

Shop mỹ phẩm xách tay

Dạy học tiếng Anh đúng chuẩn

Xét nghiệm ADN Đà Nẵng, chính xác, uy tín, bảo mật, giá từ 950k/mẫu