THƯỜNG TRỰC BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH

Giáo sư Hoàng Minh Giám: Người trí thức một đời vì nước vì dân

Lượt xem: 7144

Giáo sư Hoàng Minh Giám: Người trí thức một đời vì nước vì dân

(LV) - Trọn đời mình Giáo sư Hoàng Minh Giám đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự phát triển văn hóa và giáo dục của đất nước. Ông là một trí thức có lòng yêu nước sâu sắc, học vấn uyên bác, có nhiều đóng góp lớn lao trong nhiều lĩnh vực hoạt động của quốc gia, ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo.

Nhà trí thức lỗi lạc

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học và khoa bảng, ngay từ những năm sinh viên, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng, các hoạt động chống thực dân Pháp. Là một nhà giáo, một trí thức yêu nước suốt đời vì dân, vì nước, suốt đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Giáo sư Hoàng Minh Giám là người đại diện tiêu biểu cho sự chuyển biến của bộ phận trí thức yêu nước chân chính Việt Nam từ lập trường dân tộc sang lập trường xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã vinh dự được cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua bao khó khăn, gian khổ để xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã đảm đương nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó như: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa… Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động giáo dục, xã hội và đoàn thể khác.

Là một nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng, tầm nhìn chiến lược vừa bao quát, vừa cụ thể, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã lãnh đạo ngành văn hóa vượt qua khó khăn, xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành. Nét nổi bật trong sự nghiệp của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám là sớm nhận thức được vai trò của di tích, di vật (nay gọi là di sản văn hóa) trong đời sống xã hội, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm tư, tình cảm của nhân dân trong bối cảnh xã hội nước ta có nhiều biến đổi. Trong thời gian ông làm Bộ trưởng đã có 117 di tích trên cả nước được công nhận, đây đều là những di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đến nay, những di tích này đều đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, được nhân dân hết lòng bảo tồn và phát huy giá trị, đóng góp đắc lực vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch.

 

Các đồng chí Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp và Vương Thừa Vũ trong buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lời đề tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội, 28/4/1964
Các đồng chí Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp và Vương Thừa Vũ trong buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lời đề tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội, 28/4/1964.

 

Đặc biệt, trong 22 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hoá (1954 - 1976), Giáo sư Hoàng Minh Giám cũng chính là người đặt nền móng trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Về những đóng góp của Giáo sư Hoàng Minh Giám trong lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Trong 22 năm giữ trọng trách đứng đầu Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bộ trưởng đã chỉ đạo các hoạt động của ngành đạt được những thành tựu to lớn. Có thể nói thành tựu trong chỉ đạo xây dựng nếp sống mới, đẩy lùi các hủ tục của chế độ phong kiến, thực dân là bài học thực tiễn sâu sắc, có giá trị lý luận để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và áp dụng trong nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày nay.

Nhân cách ứng xử Hoàng Minh Giám

Có lẽ, nhân cách cao đẹp của người trí thức cách mạng chân chính, không kèn cựa, tranh giành, không ham địa vị, lợi ích cá nhân, đặc biệt là quan hệ bình đẳng với mọi người, thương yêu cán bộ, cộng với huyết thống văn hóa từ một gia đình có truyền thống tiến bộ đã làm nên một trí thức yêu nước, liêm khiết, vô tư hiếm có như Giáo sư Hoàng Minh Giám. Quả là cũng hiếm người, sau khi mất đi, lại được nhắc tới với thái độ nể trọng, chân thành và yêu mến như ông. Đã có con đường được mang tên ông ở Hà Nội - như một lời tri ân của đất nước và của nhiều thế hệ sau này.

“Trí thức chân chính là từ có thể nói cô đọng nhất về Giáo sư Hoàng Minh Giám. Đó là điều làm ông khác với nhiều trí thức khác thời đó. Thế hệ trẻ ngày nay cần học tập Hoàng Minh Giám nhiều nhất ở đức tính này”, ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Toạ đàm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hoá
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Toạ đàm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hoá". Ảnh: PL

 

Những ai từng có duyên làm việc với Giáo sư Hoàng Minh Giám đều không thể phủ nhận rằng phong thái, lề lối, nguyên tắc làm việc của ông đã có sức ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều cán bộ. Trong công việc, lúc nào cũng thấy Giáo sư Hoàng Minh Giám cười nói vui vẻ. Trong mọi việc, Giáo sư Hoàng Minh Giám luôn mềm mỏng, khiêm tốn, tôn trọng ý kiến tập thể nhưng đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc như Bác Hồ đề ra: “Những gì là nguyên tắc cơ bản thì phải giữ, những gì thuộc về sách lược thì phải linh hoạt. Đặc biệt, cần phân biệt cái gì không thể linh hoạt, cái gì có thể linh hoạt được. Nhầm lẫn giữa hai điều này sẽ dẫn đến xử lý công việc sai”.

Không chỉ có công lao xây dựng ngành văn hóa với những tư tưởng, chương trình hành động mang tầm chiến lược..., trọn đời mình, Giáo sư Hoàng Minh Giám luôn thể hiện là tấm gương đạo đức mẫu mực, một nhân cách lớn thấm nhuần những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trong phát biểu tại Toạ đàm đã khẳng định: Giáo sư Hoàng Minh Giám đóng góp cho đất nước, cho cách mạng Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để lại những dấu ấn khó quên. Giáo sư Hoàng Minh Giám thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực của người trí thức thời đại Hồ Chí Minh, cả đời tận tụy cống hiến vì nhân dân, vì đất nước, vì sự nghiệp cách mạng.

 

Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4/11/1904, tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Thân sinh giáo sư là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bi - một nhà nho yêu nước, là một trong những người sáng lập ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động tích cực chống chủ nghĩa thực dân nên đã bị thực dân Pháp kết án tù biệt xứ, sau đó bị đưa về quản thúc tại Huế.

Thời niên thiếu, chịu ảnh hưởng sâu sắc của thân phụ, Giáo sư Hoàng Minh Giám sớm có tinh thần yêu nước. Khi còn học ở trường Quốc học Huế, ông đã tham gia bãi khóa phản đối một giáo sư người Pháp đối xử tàn tệ đối với học sinh và tham gia biểu tình đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh trong thời kỳ học tại trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội.

Năm 1932, nhà giáo trẻ Hoàng Minh Giám trở về Hà Nội dạy cho trường tư thục Thăng Long. Năm 1935, ông cùng một số đồng nghiệp có tinh thần yêu nước, tiến bộ như: Phan Thanh, Đặng Thái Mai, Nguyễn Dương, Nguyễn Cao Luyện… sáng lập trường tư thục Thăng Long và làm hiệu trưởng cho đến Cách mạng Tháng Tám thành công.

Ông tham gia Đảng xã hội Pháp vào thời kỳ Mặt trận bình dân thắng lợi và khi Đảng xã hội Việt Nam được thành lập ngày 22/7/1946, ông là một trong những người đầu tiên được công nhận là đảng viên Đảng xã hội Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, theo chủ trương mở rộng Chính phủ Liên hiệp, theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp từ chiến khu trở về mời Giáo sư Hoàng Minh Giám tham gia Chính phủ. Được Đảng tín nhiệm và được Hồ Chủ tịch dìu dắt, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã trở thành một thành viên tin cậy trong chính quyền cách mạng.

Do những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, truy tặng Huân chương Đại đoàn kết.

Giáo sư Hoàng Minh Giám mất ngày 21/01/1995 tại Hà Nội. Tên của ông đã được chọn để đặt tên cho đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để tưởng nhớ, ghi ơn những đóng góp to lớn của ông với nhân dân, Tổ quốc.

 

 

(nguồn http://langvietonline.vn/)

Tin tức liên quan


Viện Khoa Học Phát Triển Nhân Lực Kinh Tế và Văn Hóa

Địa chỉ: Tòa Nhà Số 44 - 46 Ngõ 897 Giải Phóng - Hoàng Mai - Hà Nội

Điện thoại: 043.8644640/ 043.8647276/ 046.6519777

Fax: 043.8645231

Hotline: 0982.602.692 / 0979.046.308

NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT

Hàng Việt tốt

Máy lọc nước Mokin

Ghế sofa

Shop mỹ phẩm xách tay

Dạy học tiếng Anh đúng chuẩn

Xét nghiệm ADN Đà Nẵng, chính xác, uy tín, bảo mật, giá từ 950k/mẫu