SỨC MẠNH TỔNG HỢP BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM
Lượt xem: 3374Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng không chỉ đối với lịch sử dân tộc, mà còn là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc và đất nước ta phát triển bền vững. Đó là ý chí quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quan điểm tư tưởng cơ bản về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, tập trung chủ yếu ở Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang kéo tàu vào đảo. Ảnh: Phúc Thắng.
Trước hết, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc.
Phát huy sức mạnh tổng hợp là quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta, nhằm động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị, tinh thần, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vện lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cần kết hợp chặt chẽ các nhân tố cơ bản của sức mạnh quốc phòng gồm: Lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng gắn với lực lượng, thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển, đảo; xây dựng biên chế tổ chức lực lượng phù hợp, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao tiềm lực, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng và thế trận an ninh trên các vùng biển, đảo; chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, hạn chế tiêu cực, tạo sự đồng thuận xã hội... Tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, động viên, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển; cả nguồn lực trong nước và nguồn lực ngoài nước, vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Tính chất nhất quán của quốc phòng Việt Nam là: Tự vệ, chính nghĩa, quốc phòng hòa bình, dựa vào sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, LLVT làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay đòi hỏi phải tập trung xây dựng các lực lượng: Hải quân, Phòng không-Không quân, Pháo binh, Cảnh sát biển, Biên phòng, Dân quân tự vệ biển... có số lượng hợp lý, chất lượng cao; trong đó, các binh chủng kỹ thuật chiến đấu được trang bị ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo, là chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động phát triển kinh tế biển trong thời bình, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ tác chiến trên biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo.
Nguyện vọng và cũng là lợi ích cao nhất của dân tộc Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển… Trước tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông diễn ra phức tạp, đặt ra yêu cầu cao phải tăng cường tổ chức lực lượng và phát huy sức mạnh của toàn dân, đấu tranh toàn diện, bằng các hình thức, biện pháp linh hoạt, thông qua chủ trương, kế hoạch chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng. Sự kết hợp đó phải được tổ chức thực hiện trong từng lực lượng, bộ, ngành và giữa các bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương, kết hợp cả trong nước và ở ngoài nước.
Để kết hợp đấu tranh hiệu quả, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật biển, làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; triển khai chặt chẽ việc phân vùng, bố trí dân cư ven biển với tổ chức các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo; ban hành chính sách khuyến khích mạnh mẽ nhân dân định cư sinh sống ổn định lâu dài trên đảo và làm ăn trên biển dài ngày. Các địa phương có biển, đảo cần có chủ trương, giải pháp, kế hoạch phù hợp, nhằm tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhân dân trong quản lý bảo vệ, khai thác các lợi ích từ biển.
Trên cơ sở các văn bản pháp lý công bố rộng rãi trong nước và quốc tế, cần kiên trì đấu tranh ngoại giao, đàm phán với các nước láng giềng, các nước có tranh chấp thềm lục địa, vùng chồng lấn, phân chia vùng biển lịch sử và đảo; xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.
Ba là, phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển.
Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) và hợp tác quốc tế”; Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam, xác định: “Chiến lược biển phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.
Phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thực chất là quan điểm chỉ đạo: Kết hợp kinh tế với QP-AN, tăng cường sức mạnh QP-AN bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Mục đích kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, giữa xây dựng thế trận quốc phòng với thế trận an ninh là làm cho kinh tế và quốc phòng đều mạnh, không làm cản trở nhau, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam mà Đảng ta đã xác định.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011 tại Đại hội XI của Đảng) chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN; QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trên từng địa bàn”. Như vậy, nội dung của sự kết hợp đó phải được triển khai tổ chức thực hiện cụ thể ở tất cả các cấp: Trong quy hoạch tổng thể của quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận QP-AN, trong nhiệm vụ, trong phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong quy hoạch xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược, các phương án bảo vệ cần làm tốt ngay từ khâu thẩm định các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng thế trận QP-AN, bao gồm các tuyến đường giao thông, hệ thống các sân bay, bến cảng, kho, hệ thống thông tin... không để ảnh hưởng đến thế bố trí quân sự, thế trận QP-AN.
Làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của các cấp, ngành và trong nhân dân về vị trí vai trò chiến lược của biển; làm cho tư duy về biển được thể hiện đậm nét, trước hết là trong các chủ trương, chính sách phát triển của các ngành có liên quan và các địa phương có biển. Cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối kết hợp hoạt động bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, nhất là trong xử lý các tình huống phức tạp trên vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Bốn là, giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tôn trọng nhau, bình đẳng cùng có lợi.
Đây là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật biển năm 1982. Đó là thành quả đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Đối với các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là: Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm sớm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của quốc gia… Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc rất nặng nề, đòi hỏi phải thường xuyên quán triệt, nắm vững các quan điểm tư tưởng của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, sáng tạo trong thực tiễn ở mọi cấp, ngành và toàn dân; phát huy cao nhất vai trò nòng cốt của các LLVT nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Đình Chiến
Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng
(Theo ĐCSVN)