THƯỜNG TRỰC BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH

Trần Hưng Đạo: Một danh tướng kiệt xuất

Lượt xem: 7504

Trần Hưng Đạo: Một danh tướng kiệt xuất

Đệ nhất anh hùng Dân Tộc,
Một trong Mười vị nguyên soái tài ba nhất thế giới

Ảnh: Tượng đài Hưng Đạo Vương
Thân thế và gia biến
 
Trần Hưng Đạo tên húy là Trần Quốc Tuấn, tước là Hưng Đạo Vương hay Đức thánh Trần, vị đệ nhất công thần tài đức, một danh tướng mưu lược, văn võ song toàn, anh hùng dân tộc Việt Nam, đời nhà Trần khoảng cuối thế kỷ thứ XIII.
 
Trần Quốc Tuấn là người làng Tức Mặc, Huyện Mỹ Lộc, Phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Về năm sinh có tài liệu như “Bộ Quốc Sử” hay “Dã sử” ghi ông sinh vào năm 1225-1226. Tuy nhiên sau này khi chứng thực qua một nhân vật lịch sử khác Hưng Ninh Vương Trần Tung (Tuệ Trung Thượng Sĩ - thày dạy của vua Trần Nhân Tông) vồn là anh trai của Trần Quốc Tuấn sinh năm 1230. Từ đó năm sinh của Trần Hưng Đạo được ước tính vào năm 1231-1232. Về năm mất, chính sử có ghi lại Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất năm 1300, hưởng thọ 70 tuổi tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
 
Trần Quốc Tuấn ra đời vào giai đoạn chuyển giao quyền lực khi nhà Trần bắt đầu thay thế nhà Lý. Đất nước lúc đó đang trong cảnh đói kém loạn ly, Trần Thủ Độ một tôn thất tài giỏi đã bày mưu tính kế giữ thế nước chông chênh thành bền vững. Bấy giờ Trần Cảnh còn nhỏ mới 11 tuổi, vợ là Lý Chiêu Hoàng vị vua cuối cùng của chiều nhà Lý. Vì nhường ngôi cho chồng mà bị trăm họ và tôn thất nhà Lý dị nghị nhà Trần cướp ngôi khiến cho Trần Thủ Độ rất lo lắng. Bấy giờ Trần Liễu anh ruột vua Trần Cảnh lấy công chúa Thuận Thiên, chị gái Chiêu Hoàng đang có mang. Trần Thủ Độ vội ép Trần Liễu nhường vợ cho Trần Cảnh để củng cố kế sách. Không đồng tình với kế sách trên Trần Liễu đã nổi loạn nhưng bất thành. Trần Thủ Độ đã tha chết cho Trần Liễu song điều này không dẹp nổi lòng thù hận của An Sinh Vương. Vì thế Trần Liễu kén thầy dạy giỏi cho con trai mình thành bậc văn võ toàn tài, ủy thác cho con mối thù sau nặng, người con trai ấy chính là Trần Quốc Tuấn.
 
Thủa nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã được khen là bậc kỳ tài. Khi lớn lên Tuấn càng tỏ ra thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn. Trần Liễu thấy con như vậy thì mừng lắm những mong Quốc Tuấn rửa nhục cho mình. Song cuộc đời Trần Quốc Tuấn trải qua “một lần gia biến, ba lần trải qua quốc nạn” ông tỏ ra là bậc hiền tài. Thù nhà ông không đặt lên trên quyền lợi dân nước, xã tắc. Ông đã dẹp thù riêng, vun trồng cho mối đoàn kết tông tộc họ Trần khiến cho nó trở thành cội rễ của đại thắng.
Trần Quốc Tuấn kết thân với Công Chúa Nguyên Thành tức Nguyên Từ quốc mẫu vào tháng 2, năm 1251. Ông có được bốn con trai và một con gái.
 
Ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược
 
Vào đầu thế kỉ 13, đế chế Mông Cổ hùng mạnh và bắt đầu bước đường xâm lược tứ phương và đã chinh phục được rất nhiều những quốc gia châu Âu, châu Á, kể cả đất nước Trung Quốc rộng lớn cũng bị quốc gia này chinh phục.
 
Bấy giờ khi quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta. Trần Quốc Tuấn đã giao hảo hòa hiếu với Trần Quang Khải. Hai người là 2 đầu mối của hai chi họ Trần. Đồng thời một người là con Trần Liễu, một là con Trần Cảnh hai anh em đối đầu của thế hệ trước nhưng lại hòa hợp trong hiện tại để tạo nên sự thống nhất giúp nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông hung hãn.
 
Thế nhưng ba lần đem đại quân xâm lấn Đại Việt (quốc hiệu Việt Nam thời bấy giờ) quân Mông cổ đều bị thất bại ê chề. Chiến thắng này gắn liền với danh tiếng của Hưng Đạo Vương.
 
Chiến tranh Nguyên Mông lần 1
 
Cuộc xâm lược lần 1 của Nguyên mông diễn ra vào tháng 1 năm 1258, do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy với ba vạn kỵ và bộ binh. Vua Trần Thái Tông đã lãnh đạo quân đội đánh bại quân giặc xâm lược. Trong cuộc chiến này, chính sử chỉ chép một câu rằng có lệnh phái Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân thủy bộ trấn giữ vùng biên giới phía Bắc. Thế nhưng trong các sách Trần Đại Vương Bình Nguyên, Công Thần thực lục hoặc Trần Gia Điển Tích Thống Biên đều có viết, vai trò tiết chế mọi việc quân đều đã được giao cho tướng trẻ Trần Hưng Đạo.
 
Cuộc xâm lược lần 2 diễn ra vào năm 1285 quân  Nguyên Mông do con trai Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan đem năm mươi vạn quân tràn sang nước ta. Ngoài ra còn có đạo quân 10 vạn do tướng Toa Đô chỉ huy tiến đánh nước ta, tạo thành hai mặt giáp công. Đây là cuộc chiến vô cùng can go, thậm chí là một cuộc đối đầu không cân sức khi số lượng quân địch thiện chiến và lớn mạnh (bằng 1/6 dân số của Đại Việt lúc bấy giờ).
Chiến tranh Nguyên Mông lần 2
 
Thế nhưng đây cũng là thời điểm vị tướng trẻ ngày nào đã trưởng thành chín chắn và bản lĩnh hơn. Bản lĩnh của Trần Quốc Tuấn luôn thể hiện quyết tâm diệt giặc và thắng địch không gì lay chuyển. Ngay những lúc gian nan nguy hiểm nhất vị tướng này vẫn tin vào thắng lợi, giữ vững lòng quân, lòng dân. Đặc biệt trong lần kháng chiến lần thứ 2 năm 1285, sự mất còn độc lập của nước nhà chỉ còn trong gang tấc. Quân xâm lược đã chiếm được nhiều địa bàn trọng yếu trong đó có cả kinh thành Thăng Long và phủ Thiên Trường. Nội bộ quý tộc và quan lại triều Trần đã có người nao núng hàng giặc. Tuy nhiên Trần Quốc Tuấn vẫn kiên định với câu nói bất hủ : “Bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu thần đi”. Từ đó, Trần Hưng Đạo đã trực tiếp chỉ huy quân đội và nhân dân ta chống giặc. Liên tiếp những trận thắng quan trọng như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết… đã khiến cho giặc Nguyên Mông khiếp sợ và lần thứ hai hoàn toàn thảm bại. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng rồi bắt quân lính khiêng chạy về nước.
 
Cuộc xâm lược lần 3: diễn ra vào năm 1287 Hốt Tất Liệt huy động năm mươi vạn quân tiến vào Đại Việt qua ba hướng khác nhau : Thoát Hoan làm tổng chỉ huy, tiến theo đường bộ, tướng Áo Lỗ Xích chỉ huy cánh quân thứ hai cũng tiến theo đường bộ. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy thủy binh hỗ trợ cho bộ binh và kỵ binh. Trương Văn Hổ vận chuyển lương thảo theo sau.
 
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1287
 
Tuy giặc đã chuẩn bị lực lượng hùng mạnh nhưng với sự lãnh đạo tài năng, mưu trí của Trần Hưng Đạo đã khiến quân địch thảm bại: đội quân Trương Văn Hổ bị đánh tan không thể vận lương đến, Ô Mã Nhi bị chém, đội thủy binh hoàn toàn bị tiêu diệt (trận Bạch Đằng), Thoát Hoan và các tướng khác phải chạy trốn về Trung Quốc.
 
Tư tưởng lấy dân làm gốc
 
Tài năng của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở sự nhận thức rất rõ ràng. Dân ta là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được nuôi dưỡng bồi đắp trong thời bình cũng như trong thời chiến. Nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội ông chủ trương "khoan thư sức dân", "làm kế sâu rễ bền gốc" là thượng sách giữ nước. Trần Quốc Tuấn xem việc đoàn kết nội bộ là nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh.
 
Nhìn lại 3 cuộc kháng chiến Nguyên Mông thắng lợi ông xác định vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục nước nhà chung sức là nhân tố làm cho quân địch bị bắt, bị tự cầm.
 
Trần Quốc Tuấn rất coi trọng đoàn kết sức dân và quân, đoàn kết trong quân đội như cha con một nhà. Chính nhờ nguồn sức mạnh đó mà dân tộc ta đã có thể đứng vững và vượt qua những thử thách ghê gớm của họa xâm lăng bởi đế quốc Nguyên Mông gây ra.
 
Tiết Chế Quốc Công Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
 
Trần Quốc Tuấn là vị thống soái có tài năng quân sự tuyệt vời, nắm vững yêu cầu chiến lược. Lấy nhỏ đánh lớn, cả nước đánh giặc. Ông chủ trương lấy đoản binh chống trường trận xem đó là điều thường trong binh pháp nước ta. Kết hợp tác chiến của quân triều đình với tác chiến và đấu tranh của lực lượng quân dân địa phương. “Tiểu binh thanh dã, đoản binh phục hậu” .
 
Cái tài giỏi của Trần Quốc Tuấn là biết chuyển tình thế hiểm nghèo thành thuận lợi. Xoay chuyển thế trận tạo nên thời cơ. Khi thời cơ đến lập tức phản công, chọn đúng hướng, đúng mục tiêu đánh những trận quyết định khiến kẻ thù không kịp trở tay, trong chốc lát đã bị thất bại.
 
Tài thao lược của Trần Quốc Tuấn nổi bật là tính chủ động và linh hoạt, biết người biết mình, chủ động điều địch, chủ động đánh địch. Xem xét quyền biến tùy thời mà làm. Câu trả lời của ông với Trần Nhân Tông “năm nay đánh giặc nhàn” khi quân Nguyên tiến quân xâm lược lần thứ 3 năm 1298 chứng tỏ vị chủ tướng đã biết rõ địch, biết rõ ta, phân tích tình hình thực tiễn và làm chủ được qui luật của chiến trận. Trong cuộc kháng chiến này, giặc chưa bị đánh lớn mà đã sợ hãi rút chạy rốt cuộc bị tiêu diệt ở sông Bạch Đằng và ở biên giới. Đó là kết quả kì diệu việc  dụng binh độc đáo của Trần Hưng Đạo.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê chép:
 
“ Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào". Vương trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế "thanh dã", đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế.
 
Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
 
Những công lao Trần Hưng Đạo với đất nước được nhiều danh sĩ thời bấy giờ và sau này kính nể. Nhiều người đã viết những tác phẩm nhằm thể hiện sự kính trọng và ca ngợi công lao và tài đức của ông.
 
 
 
Cao Bá Quát (1809-1855) viết bài: Vịnh Hưng Đạo Vương
 
Phổ xuất tiên nguyên cái thế hào,
Phấn thân tuẫn quốc bất từ lao.
Xanh phù nhật cốc khâm hoài nhuệ,
Tấn tảo biên trần thủ đoạn cao.
Công mãn Nam thiên thùy trúc bạch,
Uy dư Đông Hải thiếp ba đào.
Phần Dương khánh diễn hồn dư sự,
Trường sử Hồ nhi thức tuấn mao.
 
Dịch nghĩa:
Là đấng anh hào bậc nhất trong đời, vốn dòng dõi nhà tiên,
Dấn mình vì nước chẳng nề khó nhọc.
Nâng đỡ xe mặt trời lòng những hăng hái,
Quét sạch bụi ngoài cõi, mưu lược thật cao siêu.
Công cao đầy cả trời Nam, lưu truyền sử sách,
Uy linh khắp biển Đông, sóng cả yên lặng.
Ân trạch ở Phần Dương có sánh cũng bằng thừa.
Mãi khiến giặc Hồ phải biết tay tài giỏi.
 
 
 
 
TRANG VÀNG LỊCH SỬ liên quan


Viện Khoa Học Phát Triển Nhân Lực Kinh Tế và Văn Hóa

Địa chỉ: Tòa Nhà Số 44 - 46 Ngõ 897 Giải Phóng - Hoàng Mai - Hà Nội

Điện thoại: 043.8644640/ 043.8647276/ 046.6519777

Fax: 043.8645231

Hotline: 0982.602.692 / 0979.046.308

NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT

Hàng Việt tốt

Máy lọc nước Mokin

Ghế sofa

Shop mỹ phẩm xách tay

Dạy học tiếng Anh đúng chuẩn

Xét nghiệm ADN Đà Nẵng, chính xác, uy tín, bảo mật, giá từ 950k/mẫu