Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn Vị Thánh Tướng Hiền Minh Triều Trần
Lượt xem: 4651Trong ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đều trực tiếp cầm quân đánh giặc. Trong kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba, ông không những là vị tổng chỉ huy quân đội mà còn là thủ lĩnh tinh thần tối cao của cuộc chiến tranh.
Đến nay, sau hơn 700 năm đại thắng Nguyên - Mông, các nhà nghiên cứu quân sự, sử gia, chính trị gia, các danh tướng mọi thời đại trong và ngoài nước vẫn không ngừng tìm hiểu và tôn vinh thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn. Cách dùng binh độc đáo, nghệ thuật quân sự kỳ tài, tấm gương đạo đức của ông mãi mãi là tài sản vô giá không riêng của dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu diễn biến và cục diện chiến tranh trong toàn bộ cuộc đời Hưng Đạo vương thấy rõ một điều ông không chỉ chủ động trên chiến trường đang diễn ra mà luôn giành toàn bộ tài năng, tâm huyết, chuẩn bị mọi mặt từ trước đó và cả sau khi chiến tranh đã kết thúc. Khi quân Nguyên - Mông sang xâm phạm Đại Việt lần thứ nhất (1258), ông mới 30 tuổi đã được cử làm Đại tướng tác chiến với đội quân xâm lược (đội quân toàn thắng, chúng đã chiếm gần hết châu Âu, châu Á. Nhà Tống, thành trì phong kiến đối đầu cuối cùng của Trung Nguyên đang bên bờ vực diệt vong). Trong chiến đấu với quân Nguyên - Mông lần thứ nhất đã cho ông những kiến thức quý giá trong tác chiến với giặc Mông Cổ, tư duy chiến thuật của chúng, tham vọng cũng như những thủ đoạn quân sự, ngoại giao và cả những điểm yếu của kẻ địch để từ đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong các lần đánh giặc sau này.
Khoảng thời gian từ năm 1258 tới cuộc chiến tranh xâm lược của đại quân Nguyên - Mông lần thứ hai là 30 năm. Khi ấy Hưng Đạo vương ở vào tuổi gần sáu mươi, tuổi mà sự hiểu biết và kinh nghiệm dày dặn cũng như đỉnh cao trí tuệ đang độ sung sức nhất. Ông biết trước đế chế Nguyên - Mông sẽ bằng mọi giá thôn tính Đại Việt, thống nhất phương Nam, điều mà các hoàng đế hiếu chiến Trung Quốc thường làm và cũng thường thất bại sau một thời gian đô hộ. Lịch sử Việt Nam cũng đã chứng minh rằng, khi chế độ đô hộ của giặc phương Bắc bị nhân dân Đại Việt đánh bại cũng là lúc bắt đầu sự cáo chung một chế độ chính trị của đế quốc ấy. Thôn tính phương Nam, chắc chắn giặc Nguyên - Mông đã có những toan tính sâu xa về vùng đất nhiều sản vật, khoáng sản, hàng vạn dặm biển cũng là mưu đồ bá chủ thế giới của chúng (quân Nguyên - Mông từng hai lần tổ chức tiến đánh quần đảo Nhật Bản và các vùng đảo ngoài biển nhưng gặp bão lớn không tiến binh được cho thấy tham vọng không có độ dừng của chúng).
Hưng Đạo vương đã lường trước những khó khăn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai. Khó khăn đã được ông giải quyết từng bước thấu đáo, triệt để không những trong phương lược chống giữ mà còn biểu hiện rõ nét và thống nhất từng bước đi trước đó hàng chục năm. Nếu như lần đầu tiên, quân Nguyên - Mông đánh xuống phương Nam bị quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, vua Trần Thái tông, các tướng lĩnh tài giỏi như Lê Phụ Trần, Trần Quốc Tuấn... còn diễn ra với tương quan lực lượng khá cân bằng cũng như độ khốc liệt, xảo quyệt, hiếu sát của chúng (địch thua rút chạy hiền lành đến mức dân gian gọi chúng là giặc Phật) thì đến khi giặc Nguyên - Mông sang xâm lược lần thứ hai đã hoàn toàn khác. Chúng thôn tính Đại Việt bằng chiến tranh chớp nhoáng, sở trường của giặc bấy giờ. Bằng cách đánh này, chúng đã không có địch thủ dưới gầm trời nữa. Tác chiến với một đội quân quá mạnh, vừa tinh nhuệ, vừa hiểm ác trong khi đó quân dân ta đã 30 năm không quen chiến trận là một điều nan giải. Nhà Tống, một đế quốc phong kiến hùng mạnh với trăm vạn đại quân và hàng ngàn tướng giỏi vừa bại vong dưới vó ngựa Nguyên - Mông đã tác động tâm lý xấu tới những nước nhỏ như Đại Việt trước khi chiến tranh xảy ra. Bản thân hai vua Trần (nhà Trần khi ấy có chế độ Thái thượng hoàng vẫn còn can dự triều chính) cũng chưa hẳn đã hạ quyết tâm trong việc kình chống với giặc dữ, thậm chí có lúc đã muốn tạm hàng để nhân dân khỏi bị giết hại. (Trần Thánh tông và Trần Nhân tông vô cùng yêu dân. Bản thân Trần Nhân tông sau các chiến thắng đã đi tu, là một trong ba vị tổ Trúc lâm sáng lập phái Thiền thuần Việt).
Giải quyết bài toán này, Hưng Đạo vương đã khéo léo khi khích lệ lòng quân (bằng tổng duyệt binh tại Đông Bộ Đầu); lòng dân (bằng Hội nghị Diên Hồng - một hội nghị có tính toàn quốc có thể nói là sớm nhất trong các triều đại); lòng tự tôn, tự trọng của giới tôn thất, tướng lĩnh, quí tộc triều Trần (Hội nghị Bình Than). Bằng ý chí kiên cường, trí tuệ thiên tài và đặc biệt là tâm đức một lòng một dạ vì Tổ quốc, Hưng Đạo vương chính là ngọn cờ đầu, vị thống soái quân sự, vị thủ lĩnh tinh thần kiệt xuất cùng nhân dân cả nước làm lên những võ công lịch sử.
Khi quân Nguyên - Mông tràn sang với quân số trên 50 vạn cùng những tướng lĩnh tài giỏi bậc nhất với sự cầm đầu của thái tử Thoát Hoan - con trai hoàng đế Đại Nguyên Hốt Tất Liệt, cục diện chiến tranh là vô cùng bất lợi với quân và dân triều Trần. Cũng phải hiểu thêm rằng, vốn liếng chính trị của mỗi tướng soái, đặc biệt là các hoàng tử, thái tử Nguyên - Mông khi ấy hoàn toàn dựa vào chiến công mà họ lập được trên các chiến trường. Các huân công chính là vòng nguyệt quế, tấm thảm đỏ để mỗi hoàng tử, thái tử dần từng bước lên ngôi vị thiên tử nên khi được giao trọng trách thôn tính một nước nào đó cũng có nghĩa là vua cha đã bắt đầu đặt niềm tin, đặt những viên gạch nền móng cho vị hoàng đế tương lai. Một xu thế thịnh hành của đế chế Nguyên - Mông hồi ấy.
Tháng 1 năm 1285, Thoát Hoan cầm đầu đội quân chủ lực cùng những tướng soái thạo chinh chiến dẫn đại quân từ Ung Châu - Trung Quốc tiến thẳng vào Lộc Châu - Đại Việt (nay là Lộc Bình - Lạng Sơn) gần như không phải gặp sự kháng cự nào đáng kể. Đầu tháng 2 năm 1285, đại quân Nguyên - Mông tiến công ải Nội Bàng (một trọng trấn quan trọng có đại quân của Hưng Đạo vương do Phạm Ngũ Lão chỉ huy trấn giữ). Đây là trận tác chiến lớn đầu tiên với quân chủ lực nhà Trần mà sử sách đôi bên đều chép lại nhưng không phải ai cũng hiểu đó là trận đánh có tính chiến thuật của Trần Quốc Tuấn để phục vụ việc lui binh chiến lược của ông.
Đúng như dự kiến, đại quân Nguyên - Mông đã dùng chiến tranh chớp nhoáng đánh Đại Việt. Ta sử dụng chiến lược từng bước lui binh, bảo toàn lực lượng, bỏ ngỏ kinh thành cho giặc dữ. Đây là một chiến lược hết sức đúng đắn và cho đến lúc ấy, đại quân Nguyên - Mông hẳn không hiểu hết được đó là diệu kế của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trước đó, vó ngựa Nguyên - Mông tung hoành khắp châu Á, châu Âu đều quen với tác chiến đánh công kiên tức là công phá thành trì vì các nước thuộc Trung Quốc, Tây Á, Bắc Á, châu Âu (bao gồm nhiều nước thuộc Liên Xô cũ) Bắc Âu… thì các đối thủ đều sử dụng thành trì bền vững phòng thủ chống lại quân Nguyên - Mông từ xa tới và phần lớn đều bại vong trước sự công phá của các Đại hãn Mông Cổ. Lần đầu tiên, giặc Nguyên - Mông chiếm kinh thành một nước xa xôi phương Nam vô cùng dễ dàng. Thực ra Hưng Đạo vương cũng đã tổ chức những trận đánh nhỏ để yên lòng hai vua, tạo kinh nghiệm tác chiến cho các tướng sĩ thuộc quyền cũng là từng bước tạo sự kiêu căng cho quân địch.
Trong khi thái tử Thoát Hoan hành binh khá thuận tiện, mau chóng chiếm được kinh thành Thăng Long thì mũi vu hồi do tướng Nạp Tốc Lạt Đinh thống lĩnh từ Vân Nam đánh vào biên giới Tây Bắc nước ta với ý đồ xé nhỏ sức mạnh quân sự của vương triều Trần, tạo thế gọng kìm nhằm bắt sống vua tôi nhà Trần. Đạo quân này ít gặp sự kháng cự trong hành tiến nhưng chúng cũng rất thận trọng trong tác chiến. Khi Thoát Hoan thua trận tháo chạy thì bọn chúng cũng tháo chạy qua đường Vân Nam và bị truy kích thiệt hại nặng nề. Cầm chân đội quân này là Thượng tướng quân Trần Nhật Duật, một danh tướng trẻ tuổi của vương triều Trần khi ấy.
Sau khi đạt được ý đồ cầm chân địch, thực hiện mệnh lệnh của Hưng Đạo vương, Trần Nhật Duật lui binh về hội sư với các cánh quân khác, bảo vệ các vua Trần tại Thiên Trường và sau này nhận trọng trách đánh trận then chốt, làm lên chiến thắng vang dội Hàm Tử. Bước đầu, có thể nói, các cánh quân xâm lược Đại Việt toàn giành thắng lợi nhưng không làm tổn thất nhiều chủ lực nhà Trần. Ngược lại, quân đội nhà Trần liên tiếp thoái lui bảo toàn lực lượng. Cục diện chiến tranh rơi vào thế lơ lửng, mơ hồ mà kẻ địch khó lòng nhận biết. Chúng vẫn chưa chủ động và áp đặt được thế trận trên chiến trường.
Dưới quyền thái tử Thoát Hoan có không ít những tướng lĩnh, những tên hán gian cáo già bắt đầu nghi ngờ chiến lược lui binh của Trần Quốc Tuấn. Chúng hết sức cảnh giác và thận trọng sau khi chiếm được kinh thành Thăng Long và hạ lệnh cho đại quân của nguyên soái Toa Đô, khi ấy được cử đi đánh Chiêm Thành bằng đường biển đang tác chiến có lợi ở mặt Nam của Đại Việt quay sang tiến công Nghệ An, dùng thế gọng kìm để bắt hai vua Trần và Trần Quốc Tuấn tại hành cung Thiên Trường (một hành cung dã chiến của triều Trần trong kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai). Nguyên soái Toa Đô, một tướng soái vào hàng kiệt xuất nhất của đế chế Nguyên - Mông chấp hành mệnh lệnh và hiểu rõ ý đồ chiến lược của thái tử Thoát Hoan cùng bộ sậu. Cần bắt được các vua Trần, tiêu diệt Trần Quốc Tuấn tự khắc Chiêm Thành không đánh cũng tan vỡ nên lập tức đem bảy vạn quân thủy bộ phá ải Nghệ An tiến ra Bắc. Cục diện chiến tranh trở lên hết sức bất lợi cho vương triều Trần. Toa Đô cùng quân tướng phá vỡ ải Nghệ An, hung hăng tiến đánh Thanh Hóa, kẹp các vua Trần và bộ chỉ huy quân sự tối cao của vương triều vào giữa trùng vây. Trong lúc thế nước thập phần nghiêng ngả, nhiều tôn thất quí tộc đua nhau ra hàng địch, đại quân, các vua Trần bốn bề thọ địch cũng là lúc tài năng quân sự của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn hiển lộ ở đỉnh cao nhất. Phân tích rõ thế yếu của quân ta và cục diện chiến tranh bất lợi, các tôn thất dao động khi các mặt trận bị vỡ, Trần Quốc Tuấn hiểu rõ nếu để Toa Đô và Thoát Hoan hội sư thành công cũng đồng nghĩa với sự diệt vong của Đại Việt và vương triều Trần. Ông thừa lệnh hai vua, cử Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, người văn võ toàn tài, đặc biệt là tài năng quân sự với nhãn quan chiến lược sâu sắc vào Thanh Hóa, Nghệ An chặn giặc, cầm chân đội quân Toa Đô. Hưng Đạo vương cử những bộ tướng giỏi nhất của mình trong đó đặc biệt là tướng quân Phạm Ngũ Lão (viên tướng giỏi bậc nhất của vương triều Trần sau này khi ấy là gia tướng của ông) vào tác chiến dưới sự chỉ huy của Trần Quang Khải. Những ngày tác chiến gian khổ với quân Toa Đô là những kinh nghiệm chiến đấu quý giá mà tướng lĩnh triều Trần có được. Một mặt, các vua Trần và Trần Quốc Tuấn dùng kế hoãn binh, sai sứ đi gặp Thoát Hoan xin cầu hòa và dùng kế dâng công chúa An Tư, em ruột Trần Thánh tông cho Thoát Hoan với mục đích kéo dài thời gian để tìm đại kế thoát khỏi cục diện thập phần bất lợi. Mặt khác, Trần Quốc Tuấn điều phần lớn quân sĩ chủ lực rút ra mạn biển, vùng đất chưa xảy ra chiến sự, theo đường biển đi thẳng vào Thanh Hóa, khéo léo hành quân luồn trở lại sau lưng đội quân Toa Đô phá thế chiến lược của chúng. Đội quân Toa Đô sau hung hăng ban đầu như mũi tên cứng bắn đã hết tầm. Đại quân ta cùng hai vua đã tránh được sức mạnh của địch, luồn trở lại sau lưng chúng với sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, từng bước gây thanh thế trở lại. Sau nhiều tháng cầm cự, quân và dân triều Trần dần quen với cuộc chiến gian khổ, tích lũy kinh nghiệm, tìm hiểu sở trường, sở đoản của địch. Đây là phương châm chiến lược của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã vạch ra từ trước đó.
Cánh quân Toa Đô bị rơi vào thế bùng nhùng của cuộc chiến tranh, điều mà các tướng soái Nguyên -Mông hết sức ngán ngẩm (bọn chúng chỉ quen tác chiến với chủ lực địch bằng quyết chiến theo kiểu sống mái lấy thịt đè người). Đại quân Thoát Hoan thì lần chần có ý chờ vào thắng lợi của nguyên soái Toa Đô trong khi thời tiết ẩm thấp phương Nam đầu xuân cuối hè bắt đầu phát huy tác dụng ảnh hưởng xấu với giặc phương Bắc chỉ quen đánh trận trên bình nguyên Trung Quốc.
Thời cơ phản công chiến lược đã tới. Đội quân của Toa Đô sau khi vồ hụt bộ chỉ huy tối cao của vương triều Trần đã bắt đầu rệu rã và thất lợi trong tác chiến. Sau khi chiếm được kinh thành Thăng Long, có được thông tin về những thắng lợi ban đầu của đội quân Toa Đô, thái tử Thoát Hoan cũng đã cử viên tướng kiêu dũng nhất của mình là Ô Mã Nhi cùng hơn một vạn quân thủy cùng Khoa Triệt (Koncak), Lý Hằng đem hơn một vạn quân bộ vừa truy kích vua Trần vừa hỗ trợ Toa Đô với ý đồ tìm diệt và đập tan đạo quân chủ lực của nhà Trần, kết thúc chiến tranh còn bản thân thái tử vẫn ăn chơi dông dài ở Thăng Long (một sai lầm biến Thoát Hoan thành trò hề trong lịch sử).
Tháng 5 năm 1285, Trần Quốc Tuấn điểm binh tướng, chấn chỉnh đội ngũ, hạ mệnh lệnh hành binh tổng phản công.
Đầu tháng 6 năm 1285, Hưng Đạo vương hạ lệnh tấn công A Lỗ (vùng ngã ba sông Hồng và sông Luộc ngày nay) và đại thắng. Vạn hộ hầu Lưu Thế Anh, chỉ huy các tướng lĩnh của địch ở đây đã phải bỏ đồn tháo chạy.
Thời cơ đuổi giặc đã đến. Hưng Đạo vương triệu tập các tướng lĩnh bàn kế thu phục lại giang sơn. Tính toán thần diệu và có tính chiến lược của Hưng Đạo vương là chủ động đánh tan liên quân Toa Đô - Ô Mã Nhi ngay tại vùng đại bản doanh của chúng (Hàm Tử - thuộc Khoái Châu - Hưng Yên ngày nay). Trận quyết chiến chiến lược này được giao cho Thượng tướng Trần Nhật Duật, vị tướng văn võ toàn tài và vô cùng độc đáo trong vương triều chỉ huy. Trần Nhật Duật đã ghi tên mình vào lịch sử quân sự bằng chiến thắng Hàm Tử lừng lẫy.
Chiến thắng Hàm Tử có tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai, tạo thế và lực mới có lợi cho ta, tạo đà cho một chuỗi các chiến thắng Tây Kết, Chương Dương, Thăng Long… và Thoát Hoan phải rời bỏ kinh thành, ôm mối nhục của kẻ bại trận, hoảng loạn lui binh tạo ra một vết nhơ với đội quân Nguyên - Mông từng bách chiến bách thắng.
Chiến thắng Hàm Tử thể hiện tinh hoa nghệ thuật quân sự của Hưng Đạo vương khi lựa chọn thời cơ đánh trực diện với một thê đội mạnh (liên quân Toa Đô - Ô Mã Nhi khi ấy có khoảng trên bảy vạn) một cách tự tin bằng sở trường của mình (thủy binh) có phối hợp các binh chủng khác (pháo binh, kỵ binh, bộ binh, dân binh, thậm chí là cả những đội Tống binh chiến đấu dưới cờ của Trần Nhật Duật). Cách đánh hết sức linh hoạt, quả cảm (chiến thuyền của ta nhỏ hơn rất nhiều các hải thuyền của Toa Đô), tiêu biểu nhất là nghệ thuật dùng hỏa công, tài bơi lặn… đặc biệt là lòng dũng cảm tuyệt vời của quân và dân nhà Trần, đức hy sinh, xả thân vì dân tộc là những nhân tố quyết định tạo nên chiến thắng. Đây có lẽ là một trong những trận đánh căng thẳng bậc nhất trên cương vị tổng chỉ huy của Hưng Đạo vương. Khi ấy ông không trực tiếp ở chiến trường và việc trao nhận thông tin ngày ấy là cả một vấn đề hết sức khó khăn (thành bại của trận đánh này sẽ liên quan trực tiếp tới cục diện chiến tranh). Từ xưa đến nay, bàn về chiến thắng then chốt Hàm Tử, các sử gia và các nhà quân sự đều thống nhất rằng đây là chiến thắng quan trọng nhất trong kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai. Đây cũng là trận quyết chiến quan trọng nhất, võ công lớn nhất của Thượng tướng Trần Nhật Duật, vị danh tướng khi ấy mới bước vào tuổi 30.
Chọn được đột phá khẩu làm rung chuyển đạo quân trên 50 vạn của Thoát Hoan là một nước cờ cao diệu của Hưng Đạo vương. Đạo quân xâm lược sau thất bại choáng váng Hàm Tử đã đổ vỡ dây chuyền. Thái tử Thoát Hoan không thể cứu được cục diện tan vỡ dường như đã nằm trong tính toán từ trước của Trần Quốc Tuấn. Trong tác chiến với giặc Nguyên - Mông, cả ba lần, chưa bao giờ ông dồn chúng vào đường cùng mà luôn đánh từng bước để cho chúng đến nước bí phải thua trận và từ đó tháo chạy. Đó cũng là nghệ thuật quân sự đặc sắc mà trong ấy việc tiết kiệm xương máu sĩ tốt luôn được đặt lên hàng đầu. Quân đội nhà Trần khi ấy quân số luôn chỉ bằng một nửa đạo quân xâm lược nên nếu chọn cách tác chiến trực diện với chúng theo kiểu đánh bạc năm ăn năm thua thì hậu quả sẽ khôn lường (điều mà tướng lĩnh các nước Trung Nguyên đã chuốc lấy bại vong khi chọn cách đánh này dù quân số của họ luôn nhiều hơn quân Mông Cổ). Chọn lối đánh tránh mũi nhọn của địch, làm chúng mệt mỏi chán nản, dần mất ý chí chiến đấu trong khi không ngừng nuôi dưỡng sĩ khí, lòng yêu nước của quân và dân chờ cơ hội phản công là một biểu hiện trí tuệ quân sự kiệt xuất của Hưng Đạo vương Trần.
Sau chiến thắng Hàm Tử, cục diện chiến tranh thay đổi, Hưng Đạo vương Trần lập tức tổ chức một loạt cuộc tập kích lớn vào các căn cứ của quân Nguyên – Mông và chiến thắng vang dội: Tây Kết, Chương Dương... đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Đại Việt.
***