THƯỜNG TRỰC BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH

'Hiền tài là nguyên khí quốc gia – mỗi lần bàn đến lại là mới tinh

Lượt xem: 3959

'Hiền tài là nguyên khí quốc gia' – mỗi lần bàn đến lại là mới tinh

Đăng Bởi -
Đông, tây, kim cổ đều xem học hành thi cử là quốc sách để chọn Hiền tài - Ảnh: TL

Đông, tây, kim cổ đều xem học hành thi cử là quốc sách để chọn Hiền tài - Ảnh: TL

Trong bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba do tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn có câu mở đầu: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh - bất kỳ chế độ nào, mô thức chính trị nào có minh chủ, có nhà lãnh đạo hiền triết đều quy tụ được nhiều hiền tài, làm cho nguyên khí quốc gia triển nở, sung mãn.

Thịnh suy của đất nước phụ thuộc vào nguyên khí của quốc gia

Trước hết cần hiểu thế nào là hiền tài? Thế nào là nguyên khí? Hiền tài là những người tài cao học rộng có tâm có đức; còn nguyên khí? Theo quan niệm “âm dương ngũ hành”, con người có mối quan hệ trong một thể thống nhất tứ trụ: Thần - Nhân - Thiên - Địa. Việc mạnh yếu, thăng trầm của đất nước tùy thuộc vào sự thịnh suy và nguyên khí của quốc gia ấy. Nguyên khí là vô hạn, vô cùng; không bao giờ thiếu hoặc mất đi.

 "Dẫu cường nhược có lúc khác nhau

  Mà hào kiệt không bao giờ thiếu” 

 (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo)

Nguyên khí khác với tài nguyên. Tài nguyên quốc gia là cái nguồn sinh ra của cải, sự giàu có (source de chisses). Cái nguồn ấy có lúc vơi dần và có lúc cạn kiệt nhưng trí thức, sức sáng tạo, nhân tài, hiền triết... thì thời nào và ở đâu cũng có. Vấn đề là không được phát hiện, không được đề bạt tiến cử đó thôi.

Ngay đến người phát ngôn ra câu: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" cũng là một bậc hiền tài, từng là rường cột của triều đình tuy đỗ đạt muộn màng nhưng đã lập nhiều công tích, được vua Lê Thánh Tông trọng dụng - Trần Nhân Trung giữ chức Phó Tao Đàn nguyên súy. Trần Nhân Trung còn có công khai khoa cho 10 vị tiến sĩ ở quê cha đất tổ làm rạng danh cho quê hương , tổ tiên, dòng tộc. Xem ra, người hiền tài không chỉ có tài mà còn biết đem cái tài của mình ra để an bang tế thế.

Sau khi đặt xong vấn đề, Trần Nhân Trung đưa ra những luận điểm để làm sáng tỏ vấn đề "Bởi thế các đức Thánh Đế, Minh Vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên". 

Chọn lầm người tài dẫn đến việc đặt ngôi nhầm ghế

Theo chính sách cử hiền tài thì bất cứ ai, bất kể xuất thân từ giai cấp nào cũng có thể tham chính nếu đỗ đạt ở các khoa thi. Bước cử hiền tài là bước tiếp theo của bước sát hạch, tuyển trạch. Thi để chọn và chọn để cử. Sự tuyển chọn qua thi cử có mối liên quan mật thiết đến việc đề bạt, tiến cử và việc đề bạt tiến cử có liên quan đến việc thịnh suy của đất nước. Chọn lầm người dẫn đến việc đặt ngồi nhầm ghế. Chính vì vậy mà đông, tây, kim cổ đều xem học hành thi cử là quốc sách. 

 

 
Văn Miếu (Quốc Tử Giám)
Một nhà chính trị sáng suốt không bao giờ xao lãng hoặc tách rời việc tuyển chọn nhân tài và việc đề bạt nhân tài. Việc tuyển chọn, đề bạt và sử dụng hiền tài ở xứ ta từ thời Lý Nhân Tông đã thành quốc sách: Năm Ất Mão (1075) mở khoa thi tam trường để lấy người có văn học làm quan; năm Bính Thìn (1076) lập Quốc Tử Giám để tuyển chọn giáo thọ; năm Bính Dần (1086) mở khoa thi chọn Viện sĩ Hàn lâm viện.

Bấy giờ đã có chức Hàn Lâm học sĩ. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn ra sức cầu hiền, mong được người tài giúp sức. Nguyễn Trãi là cánh tay mặt của Lê Lợi đã giúp Lê Lợi khởi nghĩa thành công. Tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” là nhân tố tích cực làm cho nước Đại Việt trở nên hùng cường.

Điều kiện ắt có và đủ cho một hiền tài

Những kẻ sĩ của nước Đại Việt có đầy đủ ba tác dụng: Lý trí, tình cảm và hành động. Nếu chỉ có tài thôi mới chỉ là người thông thái, uyên bác, duy lý trí - xa rời cộng đồng. Điều kiện ắt có và đủ cho một người hiền là lòng yêu thương đồng bào đồng loại và khát vọng được cống hiến phục vụ dân tộc. Khát vọng đó phải được thực hiện bằng hành động.

Đạo Nho là một học thuyết chính trị và đạo đức. Học Nho để đỗ đạt làm quan thì hãy còn phiến diện. Muốn học để làm người toàn diện cần phải có cả Nho - Phật - Lão. Vị vua đầu nhà Lý (Lý Công Uẩn) là một người được các cao tăng truyền thụ cho cái học tam giáo từ khi còn là chú tiểu. Lịch sử đã chọn Lý Công Uẩn là vì vậy.

 
Lý Công Uẩn là một người được các cao tăng truyền thụ cho cái học tam giáo từ khi còn là chú tiểu - (Tượng Lý Công Uẩn ở Hà Nội - Ảnh: TL)
Trong các triều đại nhà Lý, đời nào cũng có hiền tài giúp sức: đời Lý Thái Tổ có quốc sư Vạn Hạnh, đời Lý Thánh Tông có nguyên phi Ỷ Lan; đời Lý Nhân Tông có thái sư Lý Đạo Thành. Nhân Tông lên ngôi mới có 7 tuổi, mọi việc triều chính đều do tay Lý Đạo Thành đảm đang.

Dưới đời Nhân Tông, Thánh Tông nhờ có hiền tài giúp sức nên Bắc đánh Tống, Nam bình Chiêm giữ vững phên giậu ở phía Bắc, mở rộng bờ cõi về phía nam. Nhà Trần ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi là nhờ có nhiều bậc hiền tài làm rường cột: Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Yết Kiêu, Dã Tượng...

Nhờ tinh thần “tam giáo đồng nguyên” mà toàn xã hội có sự đoàn kết nội tại, dân chủ và rộng mở: “Con người trong xã hội ấy được phản ảnh là có nhân cách đặc xuất, không những cao về tài năng đạo đức mà còn rộng về trí tuệ và tâm hồn. Nô tỳ, thiếu niên, thiếu nữ, lão bà, nông dân, tăng ni, đạo sĩ, nho sĩ, quý tộc, hoàng hậu, nhà vua... không tầng lớp nào, không tuổi nào, không giới nào mà không có những tính cách vượt xa trên mức bình thường" - (Lê Trí Viễn).

Trong thời nhà Trần, Vua dám bỏ ngôi, quan không thiết chức, kẻ sĩ không nhận chức tước bổng lộc nếu thấy mình chưa xứng đáng. Nói chung Lý, Trần là hai thời đại hoàng kim trong lịch sử.

Người phát hiện ra và biết sử dụng hiền tài cũng là bậc hiền tài. Đó là những minh chủ, minh vương, thánh đế, những nhà lãnh đạo sáng suốt. Ở thời nay một thủ tướng trở nên hiền tài nếu thành lập nội các gồm những bộ trưởng có chuyên môn, sở trường về ngành nghề, tận tụy với công việc, khiêm hạ, thanh liêm trong quan hệ với cấp dưới.

Những người mất chất lên làm lãnh đạo là tội đồ

Người hiền tài tất nhiên phải được nể trọng, vinh danh. Tuy nhiên trong số họ vẫn có những người mất chất. Thân Nhân Trung viết: "Vì hối lộ mà hư hỏng hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác là vì lúc sống chưa được nhìn tấm bia trinh bạch nầy thôi, giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám làm chuyện càn bậy".

Trên một tấm bia đề tên tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) Trần Nhân Trung nhấn mạnh sự dối trá biến chất của kẻ tội đồ: "...tu sửa văn vẻ bên ngoài, đức hạnh thiếu thốn bên trong, điều thấy không bằng điều nghe, việc làm trái với điều học, hạnh kiểm sa sút, danh giá nhuốc nhơ, chỉ tổ bôi nhọ tấm bia nầy mà thôi ...".

Khoa danh của họ có thể là học giả bằng thật hoặc học thật mà tri hành bất nhất hoặc không thật sống theo những gì mình thật biết vv... Loại nầy sẽ nguy hiểm cho xã hội khi biến mình thành học phiệt; dùng học vị, học hàm của mình để bóp méo sự thật, làm ô nhiễm môi trường văn hóa.

Suy cho cùng thì những bậc hiền tài, kẻ sĩ... rồi ra cũng khuất bóng và đi vào cổ triết, cổ sử. Nhưng thời nào, ở đâu họ vẫn là nguyên khí của quốc gia. Quan niệm của Trần Nhân Trung cách chúng ta hơn nửa thiên niên kỷ mà vẫn còn tươi nguyên giá trị. Nói như Trúc Lâm đạo sĩ: "Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” tức là “mỗi lần bàn đến lại thành mới tinh”.

                                                                                                                                                              (nguồn http://motthegioi.vn)

Giới thiệu khác


Viện Khoa Học Phát Triển Nhân Lực Kinh Tế và Văn Hóa

Địa chỉ: Tòa Nhà Số 44 - 46 Ngõ 897 Giải Phóng - Hoàng Mai - Hà Nội

Điện thoại: 043.8644640/ 043.8647276/ 046.6519777

Fax: 043.8645231

Hotline: 0982.602.692 / 0979.046.308

NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT

Hàng Việt tốt

Máy lọc nước Mokin

Ghế sofa

Shop mỹ phẩm xách tay

Dạy học tiếng Anh đúng chuẩn

Xét nghiệm ADN Đà Nẵng, chính xác, uy tín, bảo mật, giá từ 950k/mẫu