THƯỜNG TRỰC BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH

Nhà 67 - nơi Bác Hồ để lại muôn vàn tình thương yêu

Lượt xem: 4322

 

Di tích Nhà 67 - nơi Bác Hồ để lại muôn vàn tình thương yêu

 

Ngôi nhà màu xanh nhạt ở phía sau nhà sàn, nằm sát gò đất cao được gọi là “Nhà 67”. Ngôi nhà được gọi tên theo thời gian xây dựng.

 

Vào năm 1967, cuộc phiêu lưu mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng khi máy bay Mỹ bắn phá bất ngờ, Người chưa kịp xuống hầm.

 

 Các đồng chí cán bộ, chiến sĩ ở Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng công trình. Ngày 1 tháng 5 năm 1967, nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài, ngôi nhà được khởi công xây dựng. Ngày 30 tháng 6 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội sau chuyến đi công tác, ngôi nhà đã được hoàn tất trọn vẹn, đảm bảo chắc chắn, kiên cố mà vẫn thoáng mát, tiện lợi cho sinh hoạt. Tường nhà dầy hơn 60 phân, trần nhà dày hơn 1 mét , đều được làm bằng bê tông, cốt thép.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận ngôi nhà cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng làm nơi họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương, và các cán bộ phụ trách đầu ngành để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước như: đảm bảo sản xuất trongthời chiến, tăng sức chi viện cho chiến trường miền Nam, tìm ra những giải pháp tích cực để cuộc đàm phán ở Hội nghị Pari giành thắng lợi và theo dõi tình hình chiến trường miền Nam. Gần 100 tài liệu hiện vật đang được bảo quản gìn giữ ở nơi đây đều gợi lại những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vấn đề Người đang quan tâm trong những ngày cuối đời.

 

 Hai tấm bản đồ quân sự về "bố trí binh lực địch ở miền Nam" và "bố trí không quân, hải quân địch tham chiến ở Việt Nam" treo trên tường để Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi báo cáo của các cán bộ Cục tác chiến, văn phòng Quân uỷ về diễn biến, tình hình chiến trường miền Nam, chiến sự miền Bắc. Chiếc đài ZENITH đặt trên bàn làm việc là chiến lợi phẩm của quân giải phóng miền Nam thu được trong trận Phước Thành (nay thuộc tỉnh Bình Dương) kính tặng Người để báo công đầu.

 

Ngày 17 tháng 8 năm 1969, sau khi kiểm tra sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ đề nghị Người không lên xuống nhà sàn nữa. Theo lời đề nghị của bác sĩ, Người chuyển hẳn xuống ở nhà 67.

 

Những tập sách báo tài liệu còn lại trên bàn làm việc tại căn phòng này Người đang đọc dở, nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người. Tờ báo, bản tin cuối cùng Người xem được phát hành vào ngày 24 tháng 8 năm 1969.

 

 Từ ngày 25 tháng 8 năm 1969 trở đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng, diễn biến bệnh tình mỗi ngày một xấu và phức tạp. Ngôi nhà 67, theo quyết định của Bộ Chính trị trở thành nơi điều trị bệnh cho Người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành tập trung về đây chăm lo sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thiết bị y tế hiện đại nhất ở thời kỳ đó được đưa về đây để chữa bệnh cho Người. Nằm trên giường bệnh nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi, vẫn nắm tình hình đất nước qua báo cáo của các đồng chí Bộ Chính trị, Trung ương khi các đồng chí về bên. Người thường hỏi tin chiến trường miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất. Biết tin Trung ương muốn mời Người lên khu vực Ba Vì ( Sơn Tây) để tránh lũ lụt, Người nói: "Bác đi chỉ được mình Bác, còn dân thì sao". Người quyết định ở lại cùng đồng bào. Người mong muốn được gặp nhân dân trong ngày lễ quốc khánh.

 

Bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến ngày một trầm trọng, nhịp tim rối loạn thất thường. Vì tổi cao, sức yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Ngày mùng 2 tháng 9 Người ra đi. Đồng hồ trên tủ nhỏ ở cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại thời khắc Người đi xa: 9 giờ 47 phút ngày mùng 2 tháng 9 năm 1969 (ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu).

 

Những di vật còn lưu  lại ở nơi đây,những câu chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhân chứng lịch sử kể lại về giờ phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh  cho chúng ta cảm nhận sâu sắc những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của nhân dân, về tình yêu sâu nặng, tha thiết của Người đối với nhân dân, đất nước.

 

Theo nguồn: khuditichphuchutich

Tin tức liên quan


Viện Khoa Học Phát Triển Nhân Lực Kinh Tế và Văn Hóa

Địa chỉ: Tòa Nhà Số 44 - 46 Ngõ 897 Giải Phóng - Hoàng Mai - Hà Nội

Điện thoại: 043.8644640/ 043.8647276/ 046.6519777

Fax: 043.8645231

Hotline: 0982.602.692 / 0979.046.308

NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT

Hàng Việt tốt

Máy lọc nước Mokin

Ghế sofa

Shop mỹ phẩm xách tay

Dạy học tiếng Anh đúng chuẩn

Xét nghiệm ADN Đà Nẵng, chính xác, uy tín, bảo mật, giá từ 950k/mẫu